Quốc tế hoá hệ thống giáo dục Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Ngày 3/12, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chủ trì phiên họp Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp đẩy mạnh quốc tế hoá giáo dục Việt Nam, thuộc Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia. Trường ĐH Kinh tế TP. HCM chủ trì thực hiện, GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài làm chủ nhiệm đề tài.

Trình bày tại phiên họp, GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài nêu những chỉ tiêu đánh giá quốc tế hoá hệ thống giáo dục Việt Nam trong 06 nội dung chiến lược quốc tế hoá giáo dục là: Tăng cường sự di chuyển sinh viên, giảng viên và học giả giữa Việt Nam và các quốc gia khác; Quốc tế hoá chương trình đào tạo (tập trung số lượng chương trình dành cho sinh viên quốc tế và số lượng chương trình đào tạo giảng dạy bằng tiếng Anh); Phát triển chi nhánh giáo dục quốc tế; Kiểm định tổ chức giáo dục theo chuẩn khu vực hoặc quốc tế; Xây dựng trường đại học tầm cỡ thế giới nằm trong ranking thế giới; Thiết lập mạng lưới quan hệ hợp tác quốc tế.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chủ trì phiên họp
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chủ trì phiên họp

Qua khảo sát tài liệu nhiều quốc gia và quan tâm tính đặc thù của Việt Nam, nhóm đã đề xuất khung phân tích cho việc thúc đẩy quốc tế hoá hệ thống giáo dục Việt Nam. GS Hoài cũng đánh giá, cải cách chương trình giáo dục phổ thông hiện nay theo hướng tiếp cận năng lực, phẩm chất người học là phù hợp thông lệ quốc tế. Đề tài đã đưa ra những đề xuất chính sách và đề xuất đối với các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) nhằm thúc đẩy quốc tế hoá GDĐH.

Ở cấp độ quản lý, nhóm nghiên cứu kiến nghị cần phân bổ ngân sách đầu tư mang tính đột phá cho hệ thống GDĐH (hiện thấp gần nhất so với khu vực); Tiếp tục thu hút FDI lĩnh vực GDĐH thông qua khuyến khích mở các chi nhánh giáo dục quốc tế; Phát triển trung tâm giáo dục quốc tế; Thiết kế chính sách khuyến khích hệ thống giáo dục Việt Nam tham gia các kiểm định khu vực và quốc tế; Định hướng hệ thống đại học tham gia xếp hạng trong nước và quốc tế phù hợp; Tăng cường sự di chuyển của sinh viên, giảng viên và học giả quốc tế; Xây dựng các đại học tầm cỡ thế giới; Kiến nghị xây dựng bộ tiêu chí xếp hạng đại học trong nước.

Đề cao tính ứng dụng, thiết thực của đề tài, với đầy đủ các sản phẩm, hướng tiếp cận khoa học hợp lý là một số đánh giá của các chuyên gia tại phiên họp. Bên cạnh đó, có chuyên gia cho rằng, nhóm nghiên cứu cần triển khai sâu hơn một số khái niệm, kiến giải lý do lựa chọn các trường hợp điển hình rõ ràng hơn, khung phân tích cần được xây dựng gắn với nội hàm lý thuyết.

Là một trong những đơn vị thụ hưởng kết quả nghiên cứu của đề tài, ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GDĐT cho biết, nhóm nghiên cứu đã tích cực phối hợp với Cục trong công tác nghiên cứu, hoàn thiện, sửa đổi hành lang pháp lý. Mục tiêu đề tài bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; song hành để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế – xã hội.

Với khối lượng thông tin, kiến thức lớn, hữu ích, ông Hưng kiến nghị nhóm nghiên cứu cần bố cục lại báo cáo, làm rõ các sản phẩm; đồng thời đề xuất chính sách cụ thể, rõ ràng hơn; cập nhật các số liệu. Theo ông hưng, trong thời gian tới, Cục sẽ phối hợp với nhóm nghiên cứu để làm rõ nét hơn những đề xuất về chính sách.

Đề tài được các thành viên Hội đồng đánh giá Đạt. Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc yêu cầu nhóm nghiên cứu cần tiếp tục rà soát và hoàn thiện. Cụ thể, bên cạnh tập trung quốc tế hoá ở bậc GDĐH, nhóm nghiên cứu cần bổ sung, phân tích thêm hoạt động này ở bậc mầm non, phổ thông. Thứ trưởng lưu ý, những nhận định, đánh giá đưa ra đều cần căn cứ khoa học, là cơ sở quan trọng cho đề xuất kiến nghị.

Đối với phần cơ sở lý thuyết, Thứ trưởng đề nghị nhóm nghiên cứu hoàn thiện, thể hiện rõ hơn quan điểm đánh giá của nhóm nghiên cứu.  Nhóm cũng cần rà soát lại phần kinh nghiệm quốc tế và nêu rõ tiêu chí lựa chọn rõ ràng, thuyết phục đối với các tình huống.

Bên cạnh cập nhật dữ liệu mới nhất ở phần hiện trạng Việt Nam, nhóm cần lưu ý phân tích hiện trạng gắn với khung lý thuyết, soi chiếu đến kinh nghiệm của các nước, từ đó đi đến đề xuất, kiến nghị. Thứ trưởng cho rằng, kiến nghị không cần quá nhiều, nhưng phải dựa vào phân tích hiện trạng, bám sát cơ sở khoa học, trọng tâm, trọng điểm, lưu ý tính cụ thể và khả thi. Báo cáo cần gia công lại nội dung cô đọng, logic hơn, rà soát kỹ lại thuyết minh theo hợp đồng ban đầu để đảm bảo sản phẩm tốt nhất có thể.

Thứ trưởng đề nghị nhóm nghiên cứu căn cứ những đề xuất của mình, tiếp tục tham gia, phối hợp với Bộ GDĐT trong các nhiệm vụ quan trọng sắp tới, phát huy tính chất ứng dụng.

Đại diện nhóm nghiên cứu, GS Nguyễn Trọng Hoài cho biết, nhóm sẽ tiếp thu tối đa góp ý của Hội đồng, cố gắng hoàn thiện báo cáo; bên cạnh chuyển giao 20 sản phẩm, sẽ quyết tâm giải quyết tốt nhất có thể những cam kết theo thuyết minh.

Đề tài thực hiện trong 36 tháng, từ tháng 11/2017 đến tháng 11/2020, hiện đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu theo đăng ký tại thuyết minh đã được phê duyệt.

Kết quả nghiên cứu được công bố qua 04 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành, hoàn thành 01 sách chuyên khảo; đào tạo thành công 02 thạc sĩ, hỗ trợ đào tạo 01 nghiên cứu sinh.

Sản phẩm khoa học của đề tài đã cung cấp, đóng góp những luận cứ khoa học trong lĩnh vực quốc tế hoá giáo dục; đề xuất các chính sách thúc đẩy quốc tế hoá ở cấp giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.

Một số sản phẩm đã được Cục Hợp tác quốc tế, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT); Văn phòng Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực; Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiếp nhận, sử dụng, phục vụ công tác quản lý.

Nguồn: Cục Hợp tác Quốc tế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *