Ngày 17/11, Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Viện VHNTQGVN) cùng với Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn phối hợp với Công ty Cổ phần Nghệ thuật Sáng tạo Ong Vàng tổ chức Hội thảo khoa học “Nghệ thuật công cộng kiến tạo điểm đến du lịch”.
Nghệ thuật công cộng là một chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm thời gian gần đây bởi nghệ thuật ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một xã hội đáng sống, hình thành nên những công dân biết yêu cái đẹp, hướng đến tính thiện và chia sẻ yêu thương. Bên cạnh đó, các không gian công cộng chính là điểm nhấn của một đô thị, tôn vinh giá trị chính trị, văn hóa và đặc biệt là tạo ra lợi ích thiết thực về kinh tế.
Nhận thấy sức hấp dẫn xoay quanh lĩnh vực Nghệ thuật công cộng và những lợi ích song hành, được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp; Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Công ty Cổ phần Nghệ thuật Sáng tạo Ong Vàng tổ chức buổi hội thảo khoa học với chủ đề: Nghệ thuật công cộng kiến tạo điểm đến du lịch.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNTQGVN phát biểu tại hội thảo: “Những năm gần đây ghi nhận sự phát triển nhanh chóng của nghệ thuật công cộng tại Việt Nam, đặc biệt là các dự án của nhà nước – hướng về nghệ thuật dân gian, đề cao bản sắc văn hóa. Cá nhân tôi cũng như cộng đồng mỹ thuật, sáng tạo đánh giá rất cao hiệu quả từ mỗi công trình đến lĩnh vực du lịch. Tôi hi vọng rằng, với những đóng góp từ Hội thảo, cũng như định hướng đúng đắn từ Chính phủ, nghệ thuật công cộng sẽ còn phát triển hơn nữa, trở thành biểu tượng mang tính bản sắc của mỗi địa danh”.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, Hội thảo là diễn đàn kết nối, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với mục đích giúp các bên liên quan hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa văn hóa nghệ thuật và kinh tế nói chung, nghệ thuật công cộng (NTCC) và tính hấp dẫn của điểm đến nói riêng. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để sinh viên tiếp cận với những vấn đề thực tiễn từ cuộc sống, cùng với các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trải nghiệm cách thức bàn luận giải quyết vấn đề thực tế, cũng như tạo cơ hội việc làm từ sự giao lưu giữa doanh nghiệp với sinh viên ngành văn hóa nghệ thuật.
Hội thảo đã nhận được 33 bài tham luận chất lượng, là sản phẩm nghiên cứu từ nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lý, chuyên gia đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp tập trung khai thác nghệ thuật công cộng xoay quanh các chủ đề chính:
- Một là: Cơ sở lý luận và thực tiễn về NTCC và điểm đến du lịch;
- Hai là: Kinh nghiệm quốc tế về sự kết hợp giữa NTCC với việc kiến tạo điểm đến du lịch;
- Ba là: Thực trạng về NTCC tại các điểm đến du lịch ở Việt Nam hiện nay;
- Bốn là: Đề xuất giải pháp về sự kết hợp giữa NTCC với việc kiến tạo điểm đến du lịch, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật trong tham quan du lịch, theo kịp sự phát triển của thế giới;
- Năm là: Định hướng sự kết hợp giữa NTCC với việc kiến tạo điểm đến du lịch ở Việt Nam hiện nay.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nêu lên các vấn đề liên quan đến thực trạng về nghệ thuật công cộng, chủ trương chính sách, định hướng phát triển. Trong đó, các chủ đề về thành công, hạn chế của nghệ thuật công cộng tại Việt Nam hiện nay cùng các giải pháp để Nghệ thuật công cộng gắn kết điểm đến du lịch, cũng như những bài học kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam đặc biệt được chú trọng.
Ban tổ chức hội thảo cho biết, Hội thảo khoa học Nghệ thuật công cộng kiến tạo điểm đến du lịch lần đầu tiên được tổ chức, đóng góp những giải pháp giúp sự kết nối giữa văn hoá – nghệ thuật – du lịch phát huy hiệu quả tốt nhất. Ban tổ chức mong rằng đây sẽ là điểm khởi đầu tốt đẹp cho những sự kiện tiếp theo, để Hội thảo về Nghệ thuật công cộng trở thành một hoạt động thường niên, góp phần chia sẻ kiến thức, tuyên truyền cho cộng đồng hiểu rõ hơn về các tác phẩm sáng tạo và vai trò thiết thực của nghệ thuật công cộng trong đời sống ngày nay.
Cũng trong khuôn khổ buổi hội thảo, người tham dự có cơ hội chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu tại Việt Nam như Bông hoa Dã quỳ & Nụ hoa Atiso, Quảng trường Lâm Viên, Đà Lạt; Cổng trời Phú Quốc; Tháp Trầm Hương, Nha Trang… và trên thế giới tại khu triển lãm, hứa hẹn mang đến những dư âm mới mẻ, truyền cảm hứng sáng tạo sâu sắc.
Nguồn: Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia